28/3/08

A Tử - Tà áo tím cô độc

Thiên Long Bát Bộ - Lục mạch thần kiếm là bộ tiểu thuyết kiếm hiệp ưa thích nhất của tôi trong tòan bộ hệ thống tác phẩm của Kim Dung. Không hiểu sao tôi có cảm giác, tác phẩm đó chăm chút đến từng nhân vật dù nhỏ nhất, và tính cách của mỗi nhân vật lại có những điểm độc đáo riêng.

Thiên Long Bát Bộ không thiếu nhân vật nữ, mà phải nói là cực kỳ nhiều, cực kỳ đa dạng và nhân vật nữ nào cũng để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng người đọc, kể từ những nàng nữ tỳ như A Châu, A Bích, đến những vị công chúa, vương phi như Thư Bạch Phụng, mỗi người một vẻ, tuyệt nhiên không có ai giống ai. Trong rừng hoa đó, không hiểu sao tôi lại yêu thương nhất, cảm thông nhất với đệ nhất quái nữ : A Tử, cô gái nhỏ tinh ranh quái quỷ với tà áo tím.

Giống như A Châu, A Tử cũng là một đứa con rơi lưu lạc từ thuở nhỏ. Trong khi A Châu được gửi vào nhà Mộ Dung, một gia đình tiếng tăm lừng lẫy, thì A Tử lại trở thành đệ tử của Đinh Xuân Thu, một trong những đệ nhất ác ma chốn biên thùy.

Trẻ thơ chịu ảnh hưởng từ môi trường xung quanh, và trong một nơi mà người thầy chính là một kẻ vong ân bội nghĩa lừa thầy phản bạn, các huynh đệ đồng môn thì đớn hèn, ngoài mặt nói cười nhưng bên trong ngấm ngầm hại nhau, tranh giành đoạt lợi, thì không có gì là lạ khi tính cách của A Tử phát triển theo chiều hướng đó : Nàng độc ác, ranh mãnh xảo quyệt lươn lẹo một cách hoàn tòan ngây thơ, như điều đó vốn dĩ thuộc về bản chất của nàng, và nàng tuyệt nhiên không nghi ngờ điều đó. Có nghĩa là nàng hoàn tòan không coi điều đó là xấu, làm những việc đó đối với nàng thỏai mái tự nhiên, như lòai hổ vốn dĩ ăn thịt và trâu bò ăn cỏ. Cái bản chất đó, tư tưởng đó đã ngấm sâu vào tận máu thịt nàng, đến mức kể cả khi đã rời xa Tinh Tú Môn, sống chung với cha mẹ, hoặc sống chung với Kiều Phong, nàng vẫn không hề thay đổi. Đương nhiên rồi, vì nàng có bao giờ có bất kỳ suy nghĩ nào nghi ngờ về hành vi của mình đâu, và cũng có ai nói cho nàng biết đó là sai đâu. Khi còn ở với mẹ, Tinh Trúc một mặt thương con bị côi cút lưu lạc từ nhỏ, một mặt lại chỉ lo tìm trăm phương ngàn kế để giữ người tình, hơn nữa tính cách của bà cũng mười phần cổ quái, thì làm sao có thể rèn giũa A Tử thành người tốt cho được. Đến khi ở với Kiều Phong, ông vốn dĩ là một người phóng khoáng, lại nhận lời chăm sóc A Tử vì một lời hứa với A Châu, cho nên ông cũng không thực sự cải biến được A Tử. Vì Kiều Phong vốn dĩ sinh ra để làm những việc lớn, ông có thể nói là một kẻ chất phác, không câu nệ tiểu tiết, không tinh tế, hơn nữa lại không hòan tòan chú tâm vào A Tử nên dĩ nhiên không thể phát hiện ra những điểm xấu của A Tử, mà có phát hiện ra thì ông cũng vì người chị quá cố mà bỏ qua, hoặc ông vô phương đối phó.

Tuy nhiên, việc A Tử lại trở thành một đứa trẻ như vậy một phần cũng là do dòng máu di truyền từ cha mẹ. Tuy là một đứa con rơi, nàng vẫn mang dòng máu kiêu hãnh của một bậc vương giả (cha nàng là Đòan Chính Thuần, vương gia của vương quốc Đại Lý) - điều này lý giải cho việc nàng không để ai vào mắt, và trộn vào đó là dòng máu của một người phụ nữ muôn phần quái quỷ ranh mãnh : Nguyễn Tinh Trúc. Dòng máu này đã ảnh hưởng sâu sắc đến nàng, vì thế nàng dễ dàng hấp thụ cái môi trường ở Tinh Tú môn. Thì như A Châu đó, tuy được nuôi dạy trong nhà Mộ Dung, một gia đình cực kỳ nghiêm khắc, (có thể thấy qua cách rèn giũa con cháu các đời,) nhưng vẫn không rũ bỏ được bản tính tinh nghịch ranh mãnh di truyền. Nàng dám cải trang thành bà lão để chọc Cưu Ma Trí, lại buộc Đoàn Dự phải dập đầu lạy. Nếu A Châu còn như thế, huống hồ là A Tử, khi phải sống từ nhỏ trong một môi trường khốc liệt, lấy cạnh tranh làm sinh tồn, chỉ có thể lấy sự tinh ranh, xảo trá để tồn tại.

Thực tế, bản thân A Tử chưa có nổi một người yêu thương nàng chân chính. Chưa ai thực lòng yêu thương nàng, hoặc là duy nhất đối với nàng, nên không có gì đáng ngạc nhiên khi nàng đã có cách đối xử với mọi người xung quanh theo chiều hướng như vậy. A Châu là chị nàng, nói là yêu thương nàng, nhưng rốt cuộc thì sao, để hóa giải mối hận cừu giữa Kiều Phong và Đoàn Chính Thuần, nàng đã tìm đến cái chết. Như vậy đối với A Châu, Kiều Phong quan trọng hơn nàng nhiều. Tinh Trúc là mẹ nàng, nhưng rốt cuộc thì sao, bà chỉ tìm trăm phương ngàn kế để giữ lấy Đòan Chính Thuần, nên có thể nói, đối với bà, Đòan Chính Thuần quan trọng hơn nàng nhiều. Kiều Phong thì lại càng không, Kiều Phong chăm sóc nàng, trước tiên chỉ vì lời hứa với A Châu, và hòan toàn coi nàng là một người em gái nhỏ. Mối quan tâm của Kiều Phong đến A Tử chỉ đơn giản đến thế, có thể nói so với ông, nàng chẳng khác gì những con vật ông nuôi xung quanh, có khi đối với ông, nàng còn chẳng bằng con ngựa ông đang cưỡi. Đem tặng con ngựa của mình cho người khác, có lẽ ông còn tiếc, nhưng khi giao A Tử cho Du Thản Chi, ông chẳng mảy may lo nghĩ, có cảm giác ông thở phào nhẹ nhõm vì đã thoát được một gánh nặng. Du Thản Chi thì sao, hắn yêu nàng, nhưng thực chất đó không phải là tình yêu, chỉ đơn giản là hắn thờ phụng một cái gì đó đẹp đẽ xa vời, hắn chỉ có thể làm một con chó nhỏ vẫy đuôi theo sau nàng, làm sao xứng đáng là người yêu nàng cho được. Những người gần gũi nhất với nàng còn như vậy nữa là những kẻ xa lạ khác : cha nàng, anh nàng, sư phụ và huynh đệ đồng môn.

Trong hòan cảnh đó, A Tử mặc sức tung hoành, nàng thản nhiên gây họa, thản nhiên chơi đùa với mạng sống của người khác, khinh rẻ người khác. Nàng hòan tòan coi đó là một trò chơi thú vị hoàn tòan không thấy nó xấu một chút nào.

Cho đến lúc chết, nàng tuyệt nhiên vẫn không thay đổi. Khi ôm Kiều Phong đứng bên bờ Nhạn Môn Quan, nàng chẳng để cho bất kỳ ai đến gần. Móc mắt ra trả Du Thản Chi, tuy nàng làm thế vì nhớ lời Kiều Phong, nhưng hành động đó vẫn thể hiện rõ bản chất của nàng, làm bất kỳ việc gì cũng không theo khuôn khổ bình thường.

Bi kịch của A Tử bắt đầu từ khi nàng rời khỏi Tinh Tú Môn. Giá như không rời khỏi Tinh Tú Môn, giá như không vào Trung Nguyên, có lẽ nàng sẽ mãi mãi hạnh phúc với bản tính đó của mình, với cách sống đó của mình, vì không như những người khác, nàng không có bất kỳ mảy may nghi ngờ về tính thiện ác hay sai trái trong những hành vi của mình. Chỉ khi vào Trung Nguyên, chỉ khi gặp Kiều Phong, cái bản tính đó mới làm nàng đau khổ. Vì Kiều Phong là người duy nhất khiến nàng để tâm việc có một ai đó cho riêng mình, và vì Kiều Phong là người duy nhất không bao giờ chịu ảnh hưởng trước những trò ranh mãnh của nàng. Và bi kịch của A Tử chỉ chấm dứt cùng với cái chết của Kiều Phong, khi nàng cùng ông rơi xuống vực thẳm Nhạn Môn Quan.
Tình cảm của A Tử đối với Kiều Phong :

A Tử từ nhỏ đã sống trong một môi trường đầy những sự xảo trá điêu ngoa, người người lấy việc hãm hại vùi dập kẻ khác làm vui sống, tuyệt nhiên không bao giờ đối đãi với nhau bằng tấm chân tình. Và nàng là như vậy.

Ban đầu, nàng chỉ đơn thuần coi Kiều Phong là một món đồ chơi. Nàng gai mắt khi thấy trong mắt Kiều Phong chỉ duy nhất có A Châu, và nàng nảy sinh ý muốn chiếm đoạt Kiều Phong cho mình, cho bõ ghét. Nhưng sau đó, phát hiện ra Kiều Phong là một người tài giỏi, nàng lại nảy sinh ý muốn chiếm đoạt Kiều Phong, như một người bảo vệ. Chỉ sau một thời gian dài sống bên Kiều Phong, nàng mới muốn có Kiều Phong như một người mình yêu.

A Tử yêu Kiều Phong như một lẽ đương nhiên. Nàng vốn dĩ là một người cổ quái, có thể nói nàng không đặt bất kỳ ai vào trong mắt. Ngay cả Tinh Tú lão quái, nàng tuy trước mặt tỏ ra sợ sệt, nhưng thực chất nàng vẫn dám đánh cắp bảo bối của lão bỏ trốn, chứng tỏ nàng cũng chẳng coi lão ra đâu. Khi thấy có người bảo vệ, nàng đã lớn tiếng tự xưng mình ngang hàng với lão. Trong khi đó Kiều Phong khác hẳn với những người xung quanh nàng. Kiều Phong đường đường là một đấng tu mi nam tử, đầu đội trời chân đạp đất, tính tình hào sảng, không coi nặng tiểu tiết. Bản tính Kiều Phong khác hẳn với A Tử, có lẽ đó là điểm thu hút lớn nhất của ông đối với nàng. Những trò tinh ranh quái quỷ của nàng có thể hữu dụng với người khác, nhưng hòan toàn không thể ảnh hưởng mảy may đối với ông. Hơn nữa, việc ông chỉ khư khư giữ hình ảnh A Châu trong lòng cũng tạo nên một sức thu hút lớn đối với nàng.

Và người ta có thể không yêu hay sao, khi đứng bên cạnh một vị anh hùng như vậy. Có ai ngòai Kiều Phong có thể xứng đáng cho A Tử gửi gắm cả con người mình chăng. Có ai hơn nổi Kiều Phong đáng để cho nàng ngưỡng mộ hay chăng. Ngay như cha nàng, đường đường là một vị Vương gia, nhưng lại khổ sở vì mấy bà tình nhân, so về võ công thì kém xa với Kiều Phong. Anh nàng, Đoàn Dự, thì không khác gì một kẻ ngốc, chỉ chăm chăm theo đuổi và làm vừa lòng mấy vị cô nương. Sư phụ nàng. Tinh Tú lão quái thì ranh ma xảo quyệt, độc ác vô lương. Mấy vị sư huynh của nàng thì kẻ nào cũng đớn hèn, vô dụng. Du Thản Chi thì khác nào một con chuột đội lốt sư tử, dẫu có sức mạnh trong người đó nhưng lá gan chuột thì vĩnh viễn không thể thay đổi được. Còn như Mộ Dung Phục, Hư Trúc, một kẻ thì suốt ngày tâm niệm với kinh kệ và phật pháp, một kẻ đắm chìm trong danh vọng quyền lực, hòan tòan không phải là đối tượng gây hứng thú với nàng. Tất cả đều kém xa Kiều Phong, thì không lẽ nào nàng lại hạ mình quan tâm đến những kẻ đó.

A Tử yêu Kiều Phong, nhưng có lẽ chính bản thân nàng cũng chưa nhận ra điều đó. Nàng với bản tính ích kỷ của mình, cố gắng giành giật Kiều Phong với suy nghĩ là nàng muốn có Kiều Phong bên cạnh, muốn chiếm hữu Kiều Phong cho riêng mình, muốn gạt bỏ hoàn toàn A Châu khỏi tâm trí Kiều Phong. Đó chưa hẳn là tình yêu, nhưng đó là manh nha cho một tình yêu, kể cả khi nàng cố tình vứt bỏ chiếc áo A Châu may cho Kiều Phong.

Có lẽ A Tử chỉ nhận ra tình yêu của mình đối với Kiều Phong sau khi nàng được Hư Trúc chữa xong đôi mắt. Khi nhận đôi mắt của Du Thản Chi, lần đầu tiên A Tử mới cảm nhận được cảm giác "bị yêu", mới hiểu được tình yêu của người khác dành cho mình. Điều đó đã có tác động sâu sắc đến con người nàng. Kiều Phong cũng mơ hồ nhận ra sự thay đổi của nàng qua đôi mắt nhuốm buồn, nhưng cái bản tính thiếu tinh tế cố hữu của hắn cùng với nhiều việc đáng lo lắng đã làm hắn bỏ qua điều đó. Ông đã không biết nàng thay đổi, và chính nàng cũng không biết nàng đã thay đổi. A Tử với đôi mắt của Du Thản Chi đã khác xa với A Tử đồ đệ của Tinh Tú môn. A Tử đồ đệ của Tinh Tú môn muốn giữ chặt Kiều phong như một món đồ, một người bảo vệ đáng giá, còn A Tử với đôi mắt của Du Thản Chi thì muốn có được Kiều Phong như một người mình yêu. Cô A Tử cũ hoàn toàn tự tin vào mình, chiếm hữu tất thảy chỉ để thỏa mãn tính hiếu thắng ham chơi, cô A Tử thứ hai mềm yếu hơn, cư xử như một cô gái đang yêu hơn. Vì nàng đã cảm nhận được tình yêu tuyệt vọng của Du Thản Chi, nên nàng cũng hiểu ra, đối với tình yêu của Kiều Phong, nàng hòan toàn vô vọng. Vì lẽ đó, nàng, một cô gái tinh ranh chuyên lừa gạt người khác lại mắc phải cái mưu quá đỗi đơn giản của người ta, gián tiếp làm hại đến người mình yêu.

Tình yêu của A Tử, cũng như cuộc sống của A Tử, như một cây cột trồng trong vách, chưa có được một ngày hạnh phúc. Đau khổ thay cho nàng khi người duy nhất nàng yêu lại chẳng sá gì đến tình cảm của nàng.

Lấy tư cách là em ruột của A Châu để ở bên Tiêu Phong, quả nhiên nàng là người con gái duy nhất có thể gần gũi ông, được ông chiều chuộng chăm sóc, yêu thương. Nhưng cái chiều chuộng chăm sóc của ông xuất phát từ tình cảm một người anh trai dành cho người em gái, tuyệt đối không có chút gì là tư tình luyến ái giữa nam với nữ. Khi Du Thản Chi mang A Tử đi, Tiêu Phong cũng không ngăn cản, vì ông cho rằng con gái lớn phải gả chồng, và chỉ cần A Tử thích là ông không ngăn cản. Vì từ đầu đến cuối ông chỉ là một người anh trai, chỉ chăm sóc A Tử theo đúng lời căn dặn của A Châu, khi A Tử có người khác chăm lo, coi như ông đã không còn chút trách nhiệm nào.

Kiều Phong yêu A Châu, tòan bộ tình cảm của ông chỉ có thể dành cho A Châu, không bao giờ để mắt đến ai ngoài A Châu. Nên cái chết của Kiều Phong có khi lại là niềm hạnh phúc của A Tử. Vì chỉ lúc đó, ông mới thuộc về nàng, vĩnh viễn chỉ thuộc về nàng. Và dưới Nhạn Môn Quan, cuối cùng A Tử cũng tìm được hạnh phúc cho mình.
-------
22.08.2006 - Lam Anh

4 nhận xét:

nhi nói...

Mình cũng thích A Tử nhất trong bộ truyện ấy, cũng thương A Tử. Với mình tình yêu của A tử dành cho Kiều Phong là tình yêu chân thành nhất trong cả bộ truyện. Đã có ai dám móc mắt mình ném trả cho ng khác Như A Tử đã làm để rồi ôm xác ng yêu nhảy xuống núi.Những tình yêu của Hư Trúc và Mộng Cô thật quá mờ nhạt, Tình yêu của Đoàn Dự và Vương Ngữ Yên thật quá nhu nhược. Vả lại họ chưa từng sống cuộc đời khắc nghiêt như A Tử, họ ko bị cô độc như A Tử nên họ yêu cái tình yêu của họ đơn giản hơn nhiều so với tình yêu của một kẻ chưa từng biết thế nào là yêu thương...Cuộc đời có lẽ lần duy nhất mỉm cười với A Tử chính là đã cho A Tử ôm Kiều Phong nhảy xuống núi!!!

Unknown nói...

bài viết hay nhất về A Tử, nhân vật để lại cho mình những ấn tượng không bao giờ phai mờ trong kho tác phẩm đồ sộ của Kim Dung.

Unknown nói...

hồi bé mình thường xuyên thích những nhân vật thiện, mình ko hề thích cái gọi là gian tà độc ác, lấy đó như 1 chuẩn mực, nhưng mình thực sự bị cuốn hút bởi A Tử. Mình quả thực có phần ko thích những việc mà A Tử làm nhưng lại vẫn rất thích cô bé này. Mình thích tình yêu mà A Tử dành cho Kiều Phong, mình cũng thích tính cách của A Tử, 1 đứa trẻ, 1 kẻ ngông cuồng, một cô gái đang yêu. Vừa thích vừa thương, lại tội nghiệp. A Tử là 1 trong những nhân vật nữ mình thích nhất trong số các bộ phim trung quốc đã từng xem.

Unknown nói...

Nghĩ Kiều Phong cũng yêu A Tử mà nỗi áy náy về cái chết của A Châu, suy nghĩ của một đại anh hùng,....vì sợ yêu A Tử sẽ có lỗi với A Châu nên Kiều Phong luôn né tránh nàng. Xót xa....quá xót xa