28/3/08

Trăm hoa lộng lẫy một cành mẫu đơn.

Chẳng có tình gì, người cũng cảm
Thiên hạ xót thương cho một Thúy Kiều lầm than lưu lạc, mà không biết tới một Thúy Vân đồng sàng dị mộng, nhỏ lệ cho một Lâm Đại Ngọc bạc mệnh, mà lại nghiến răng căm hận một Tiết Bảo Thoa gối chăn lạnh lẽo
Tiết Bảo Thoa là em con dì con già với Giả Bảo Ngọc, cùng với Lâm Đại Ngọc là ba nhân vật chính của bộ Hồng Lâu Mộng một trong những kiệt tác nổi tiếng của Văn học Trung Hoa.

Rất hiếm có một độc giả nào yêu thương hay đồng cảm với Tiết Bảo Thoa. Nhớ có lần lục cái topic cũ của Việt Kiếm, đọc được mấy bài bình luận của các vị tiền bối cũ về Hồng Lâu Mộng, thấy có đoạn viết về Tiết Bảo Thoa. Vì đọc đã lâu nên không thể nhớ chính xác, nhưng nhớ là có một người đã nói đại ý rằng “ Khi đệ xem phim/đọc tới đoạn Lâm Đại Ngọc chết, không muốn coi nữa, nhưng gia mẫu bắt phải coi, coi cho biết đàn bà xảo quyệt như thế nào” ( chắc là không đúng tới từng chữ, nhưng ý thì chắc là không lệch )

Nhớ thuở còn nhỏ, cái lúc mà đọc Hồng Lâu Mộng lần đầu tiên, tôi cũng chẳng khác gì người đó, cũng căm ghét Tiết Bảo Thoa nhất trên đời, hồi đó bị hội chứng si cô Lâm, coi nàng là người tốt đẹp nhất trên đời, nên thấy nàng chết tức tưởi như thế, đau khổ như thế, không khỏi quy trách nhiệm hết lên mình Bảo Thoa. Nhưng sau này, khi đã lớn tuổi hơn một chút, giao tiếp rộng hơn một chút, khi đọc lại Hồng Lâu Mộng, tự nhiên lại sinh ra đồng cảm với Nàng Tiết.

Tiết Bảo Thoa có chỗ nào đáng ghét. Khi cố tìm cho mình một lý do để ghét nàng, tôi bất chợt phát hiện ra ở nàng chẳng có điểm nào đáng ghét cả. Nàng có xinh đẹp không, có chứ, cực kỳ xinh đẹp có phần còn hơn cả Lâm Đại Ngọc, vẻ đẹp của nàng là vẻ đẹp rực rỡ, đầy đặn, cao sang quý phái, như mọi người đã từng trầm trồ “ Phi cô ấy ra, còn ai xứng đáng làm hoa mẫu đơn nữa” Nàng có tài không, có chứ, khi vịnh Hải Đường trắng, không phải nàng đã đứng trên cả Lâm Đại Ngọc hay sao. Nàng có ngoan ngoãn, tốt bụng không, nếu nàng không tốt bụng thì làm gì có ai gọi là ngoan ngoãn, tốt bụng. Từ đầu đến cuối, nàng thờ mẹ kính anh, đối xử ôn hòa nhũn nhặn với mọi người xung quanh, bao dung độ lượng với kẻ dưới, nhún nhường với người ngang hàng, lễ phép với người trên. Tuy còn ít tuổi, nàng vẫn là người chỉn chu cẩn thận, không vì mình là một vị thiên kim tiểu thư lá ngọc cành vào mà hoặc đỏng đảnh, hoặc vụng về, hoặc e lệ. Là con gái của nhà họ Tiết gia tư ức vạn, nàng vẫn ăn mặc giản dị đơn giản, đâu có đua đòi se sua như những bậc tiểu thư khác đâu. Nãng cũng tuyệt nhiên chẳng phải kẻ vụng về, không chỉ biết viết chữ làm thơ, nàng còn thêu thùa may vá rất khéo. Có thể có người sẽ cười khuẩy, rằng việc thêu thùa may vá có là gì. Nhưng nếu bạn là một độc giả trung thành của Hồng Lâu Mộng, nếu bạn đã từng yêu thích Hồng Lâu Mộng như tôi đang yêu thích, hẳn bạn phải nhớ đoạn Tình Văn nửa đêm vá áo cho Giả Bảo Ngọc. Trong đoạn đó, tôi chỉ muốn bạn nhớ lại một câu nói của Tập Nhân. Tôi còn nhớ rằng, khi Tình Văn nói “ Chỗ thủng này chỉ cần dùng chỉ lông công, mạng lại là được” thì Tập Nhân đã trả lời “ Ở đây, trừ cô ra, có ai biết dùng kim chỉ đâu”. Tập Nhân, chỉ là một a hoàn hạng khá mà còn như vậy, thế mà đây vị tiểu thư ngàn vàng lại vẫn có thể thêu thùa may vá, thật đáng khâm phục thay.

Ở Tiết Bảo Thoa toát ra vẻ điềm tĩnh, bên cạnh nàng, người ta có thể an tâm mà giao phó tất thảy. Trong số các chị em ở phủ Giả, có ai biết suy tính và lo nghĩ cho người khác một cách chỉnh chu cẩn thận như nàng không. Khi Tương Vân tính mở hội Vịnh Cúc, nàng không ngần ngại mà vạch rõ : “Cô có tiêu hết cả số tiền để dành của mình cũng chẳng đủ” Rồi nàng gợi ý cho Tương Vân là dùng cua của cửa hiệu nhà nàng, vừa tiện lợi lại và lạ miệng. Cái tinh tế của Bảo Thoa ở đây là đưa ra một phương án tương đối cho Tương Vân, đủ để nàng không xấu hổ và cũng đủ để nàng chấp nhận. Nàng không đưa tiền giúp Tương Vân, dù nàng có thừa tiền, điều đó chứng tỏ nàng thật tâm lo lắng và suy nghĩ cho Tương Vân, giúp không phải chỉ để giúp mà còn muốn người ta có thể sử dụng được một cách tốt nhất. Ngay việc đưa yến sào sang cho Lâm Đại Ngọc cũng vậy, hết sức tế nhị và bao hàm trong đó cả một tấm lòng quan thiết. Nên một người cực kỳ tinh tế và dễ tự ái như Lâm Đại Ngọc mới chịu nhận, và hoàn toàn vui lòng nhận, không có chút tự ái. Một người biết lo lắng và quan tâm đến người khác trong từng chi tiết nhỏ nhặt như vậy lại có thể là một người xấu ư.

Nhớ trong phần bình luận đầu sách của Mai Quốc Liên có đoạn viết “ Nếu nói về bản chất và bản lĩnh của giai cấp thì quả nàng là hiện thân của giai cấu. Nàng có ác không. Có. Khi con hầu Kim Xuyến nhảy giếng tự tử, Vương Phu nhân cảm thấy lương tâm cắn rứt, nhưng nàng thì không, nàng tươi cười an ủi đổ lỗi cho Kim Xuyến và nói “Dì cũng chẳng nên lo lắng buồn bã làm gì, chỉ cần cho vài lạng bạc làm ma cho nó là trọn tình chủ tớ rồi”. Tôi hoàn tòan không đồng ý với ý kiến của ông. Giả sử bạn là nàng Tiết trong trường hợp này, bạn sẽ làm gì, khóc lóc trách mắng Vương Phu Nhân là người độc ác hay lẳng lặng bỏ đi cho bà ấy bẽ mặt. chẳng phải cách xử xự của nàng Tiết là trọn vẹn nhất sao. Nàng ấy không giống Lâm Đại Ngọc, không khóc mướn thương vay nhưng dại dằn vặt và làm khổ những người yêu mình hoặc chính bản thân mình, nàng luôn hướng suy nghĩ của mình theo một chiều hướng thực tế hơn, tích cực hơn. Nàng là người hiểu thời thế, có ăn có học, lại thông minh tinh tế nên chẳng bao giờ để tâm hồn hoặc treo ngược cành cây, hoặc chìm trong mộng ảo. Trong khi con gái nói chung, các bậc tiểu thư quyền quý nói riêng, với lối suy nghĩ nông cạn của mình, thích dằn vặt về quá khứ, thích đào bới những chuyện đã qua, nàng lại biết chấp nhận và cải biến cái kết quả đó theo chiều hướng tốt đẹp hơn. Nàng một mặt giúp Vương Phu Nhân nhẹ lòng, mặt khác lại tìm ra cách cư xử hợp lý đối với nhà Kim Xuyến, tiện lợi cả đôi đừong, đối với một số người thì có thể coi là ác, nhưng đó là cách giải quyết tốt nhất vậy.

Vậy thì Tiết Bảo Thoa đáng ghét ở điểm nào, chẳng lẽ ở chỗ nàng quá lý tính, không có một chút tình cảm nào ư. Hòan tòan sai. Nếu nói nàng không có tình cảm, thì ai là người đã đứng đầu hội vịnh Hải Đường trắng, người không có tình cảm mà lại có thể viết ra được những vần thơ tình tứ phong lưu đến nhường ấy ư. Khi Bảo Ngọc bảo nàng giống Dương Quý Phi, nàng cũng biết nổi giận đó chứ. Nàng đã đỏ mặt lên rồi nói “ tiếc là tôi không có người anh em nào đáng làm An Lộc Sơn”. Không có tình cảm mà nàng lại có thể quan tâm và lo lắng cho Tương Vân đến thế ư. Nàng cũng thương Lâm Đại Ngọc, có chứ, chỉ là, trong một chừng mực nào đó, nàng cũng không thể làm được gì cả. Và đối với những việc không thể làm được, nàng chỉ đành đè nén con tim, đè nén tinh cảm của mình, tự ép mình vào khuôn khổ, vì nàng sống không chỉ cho mình mà con cho biết bao nhiêu người khác.

Nếu xét từ đầu đến cuối, có lẽ Bảo Thoa đáng thương hơn là đáng giận. Nàng sinh ra trong một gia đình danh gia vọng tôc, lẽ ra nàng đã được tuyển vào cung, rồi cuộc sống trở nên an nhàn không phải lo lắng về bất kỳ điều gì. Nàng vốn là nữ nhi, mà nữ nhi là ngoại tộc mà. Nhưng trong khi đó, anh nàng lại gây ra biết bao nhiêu là chuyện, để nàng, một người con gái yếu ớt phải lo lắng và sầu não, một mặt chăm sóc mẹ, một mặt phải sống chung với người chị dâu đành hanh, khó chịu, mặt khác lại phải lo lắng cho anh. Khi lấy chồng, nàng vừa mang tiếng là người giật chồng của người khác, lại phải sống trong sự lạnh nhạt của chồng. Từ đầu đến cuối, nàng cư xử ôn hòa nhã nhặn, sống chừng mực tu thân dưỡng tính, nhưng nàng được cái gì. Chị dâu thì cạnh khóe, anh thì tình rượu hứa hẹn, say rượu hoặc ngông cuồng lên thì coi trời bằng vung. Lấy chồng cũng không được đàng hoàng, ngay con hầu cũng bị đánh tráo, coi như là cứoi mình nhưng thực ra chỉ là đội lốt Lâm Đại Ngọc. Ngay đứa con, cũng chỉ là nhờ chồng xấu hổ mà có. Lâm Đại Ngọc chỉ biết thương hoa, không biết quan tâm đến những người xung quanh, nhưng ít ra nàng còn có một Giả Bảo Ngọc tri âm tri kỷ. Tiết Bảo Thoa thì thương yêu săn sóc cho khắp mọi người, nhưng rốt cuộc, người hiểu nàng, tri âm tri kỷ thực sự của nàng làm gì có ai. Ngay đến Tào Tuyết Cần cũng không cho là nàng đáng thương, khi soạn 12 bài trong Kim Lăng thập nhị thoa cũng không để tên nàng, trong sổ bạc mệnh của Tào Tuyết Cần không có tên nàng, Chẳng lẽ chăn đơn gối lạnh bên cạnh người chồng hờ hững, mang tiếng cướp chồng của người khác dù thực ra cũng chỉ là nạn nhân của các bậc tiền bối, hưởng một đêm xuân ngắn ngủi với chồng chỉ vì chồng xấu hổ khi bị bắt gặp quan tâm đến người hầu ( sự lo lắng quan tâm của Bảo Ngọc đến nàng còn kém hơn một tỳ nữ) rồi nuôi con một mình trong khi chồng bỏ đi tu, đó không phải là bạc mệnh ư. Tiết Bảo Thoa bị bỏ rơi ngay từ người cha đẻ của mình, người đã nhào nặn ra nàng, cho nàng đẩy đủ vóc dáng và tài năng, nhưng lại cướp đi của nàng quyền được yêu thương, quyền được làm người bạc mệnh.
Ngọc vàng duyên nợ tại trời
Ngấm ngầm phiền não ai người hiểu cho.
Góa chồng từ thuở còn thơ
Bạc đầu vẫn cứ mù mờ hận yêu.
Là người tôn thờ cô Lâm, tôi căm ghét Tiết Bảo Thoa. Nhưng nếu lấy tư cách là một người mẹ, một người chị hoặc một người em gái, tôi sẽ thật lòng sung sướng giao người con, người em, người anh của mình vào tay một người như nàng. Và cho dù lấy tư cách là một người con gái bình thường, nếu bị phản bội, tôi cũng chỉ cam tâm khi người tôi yêu phản bội tôi vì một người như nàng.

26.08.2006

Không có nhận xét nào: