26/7/09

Hoa Âm Hệ Liệt

Truyền thuyết về Thanh điểu tộc kể lại rằng, "máu của người Thanh Điểu tộc không phải là loại máu bình thường, mà là máu của Tây Vương Mẫu – khi Vương Mẫu tu luyện trên đỉnh Côn Luân, Người đã dùng ánh trăng cắt cổ tay mình nhỏ ra ba giọt máu, hóa thành ba con Thanh Điểu đi khắp thế gian truyền bá ân trạch của Người.". Trải qua sự xói mòn của thời gian, tộc Thanh Điểu dần dần bị tàn lụi, bị xóa sổ, chỉ còn sót lại trên thế gian ba nhà tiên tri, mang trong mình ba giọt máu của Tây Vương Mẫu. Một trong những chủ nhân của giọt máu ấy là nàng Tinh Liên, nữ nhân ngư sống trong một hồ máu ở dưới đáy Mạc Chi hồ trong Hoa Âm Các

Trác Vương Tôn, Các Chủ của Hoa Âm Các, mới lên chấp chưởng được không lâu thì nhận được tấm chiến thiếp của Dương Dật Chi, minh chủ võ lâm. Cuộc đối đầu giữa Hoa Âm Các và Minh chủ võ lâm là quy luật thường xuyên của võ lâm, không có gì là lạ, có điều cuộc chiến này đã được sắp xếp từ trước khi Trác Vương Tôn tại vị. Theo đúng quy củ của Hoa Âm Các, dù bản thân không tin lắm, Trác Vương Tôn vẫn tới gặp Tịnh Liên hỏi về kết cục của trận đấu sắp tới. Nữ Nhân Ngư đột nhiên kinh sợ rồi phát cuồng, tự móc trái tim ra và quằn quại đến chết trong hồ máu. Lời tiên tri được trả giá bằng chính tính mạng của nữ tiên tri ấy chỉ vẻn vẹn gồm 4 chữ " Lục chi thiên tế".

Những tư liệu cũ được hé mở, Lục chi thiên tế gắn với truyền thuyết về Diệt thế đại thần Shiva. Hạ giới vì để chuộc lỗi với thần Shiva, đã chấp nhận dùng " Lục Chi Thiên Tế", dùng tính mạng để cứu thế gian khỏi sự hủy diệt. Quan trọng hơn, theo các Chiêm sư tính toán, chỉ trong thời gian sắp tới, Lục chi thiên tế có khả năng trùng diễn lần nữa

Trên con thuyền Đại Uy Thiên Triêu hiệu vượt biển, máu bao trùm lên máu. Lục Chi thiên tế mà mọi người không ngờ tới dần dần được tái hiện. Máu tanh nhuộm đỏ biển xanh, con người nhìn nhau nghi kị, sợ hãi, chưa bao giờ cuộc sống lại mong manh đến như thế.

Thuyền cập bến Mạn Đà La đảo, tưởng rằng mọi thứ đã yên ả, ngờ đâu, những ma trận lại tiếp tục bắt đầu, và đối với nó, Lục Chi Thiên tế rốt cuộc chỉ là một màn khởi đầu hoa lệ.

Những bí mật dần dần được hé mở. Hóa ra, Lục chi Thiên tế không chỉ đơn thuần là một cuộc hiến tế nhằm làm dịu lại cơn thịnh nộ của đại thần Shiva, mà còn bao hàm trong đó những tham vọng kinh người"


Chính Bộ Phi Yên đã viết, Hoa âm hệ liệt được dựa trên một số truyền thuyết của Ấn Độ về đại thần diệt thế Shiva, thần sáng tạo thế giới Brahama và nữ thần Parvati, trong đó chủ yếu là câu chuyện về sự đánh cuộc giữa Brahama và Shiva. Lúc nào cũng thế, các mỹ nhân luôn là căn nguyên của mọi sự phiền não, và các vị thần cũng không ngoại lệ. Do không biết Parvati là vợ của Shiva, thần Brahama đã biến ra tới năm cái đầu để có thể nhìn nàng ở mọi góc cạnh, điều đó đã làm Shiva nổi cơn ghen. Hai vị thần đã đánh cuộc với nhau, bằng cách cùng bước lên bàn Luân hồi, xuống hạ giới làm một người bình thường, xem ai có thể trở lại thiên giới trước.

Tất nhiên, đó chỉ là phần dẫn truyện, và từ đó Bộ Phi Yên đã phát triển nên một Hoa Âm hệ liệt vừa huyền ảo vừa mỹ lệ, những chi tiết thần thoại được gắn với cuộc sống hiện tại một cách rất chân thực. Đây không phải là cuộc chiến của các vị thần, mà chỉ đơn thuần là cuộc chiến cũng những con người trần thế với nhau, mỗi người đều có một mục đích, một nỗi khổ riêng không ai có thể chia sẻ. Đương nhiên với phong cách của Bộ Phi Yên, trong Hoa Âm hệ liệt chẳng có nổi một vị anh hùng cứu thế xả thân vì chính nghĩa đứng lên lãnh đạo quần hùng chống lại một số cái ác đang hoành hành khắp nơi. Trác Vương Tôn, vị Hoa Âm Các chủ, đương nhiên không phải, chàng dấn thân vào cuộc phưu lưu này chỉ vì muốn cứu người con gái bên cạnh mình. Tôi thực sự yêu thích nhân vật Trác Vương Tôn này, đặc biệt là câu nói của chàng đối với hung thủ bày ra Lục Chi Thiên tế, rằng, chàng chẳng muốn vạch trần những tội ác mà y đã bày ra, vì nó giúp chàng thấy chuyến đi này bớt tịch mịch. Máu và sinh mạng của người khác chỉ đơn giản khiến chàng bớt tịch mịch, thế thôi, chứ chẳng quan trọng chút xíu nào với chàng. Dương Dật Chi, minh chủ võ lâm đấy, nhưng cùng từng là một kẻ lừa thầy phản bạn, bỏ cả người yêu mình vì một cuốn bí kíp võ công. Tiểu Án, vị vương tử có lòng từ bi hỉ xả của Phật, nhưng lại phải duy trì cuộc sống bằng máu tươi, và mục đích tham gia chỉ làm tìm giết sứ giả còn lại của Thanh Điểu để giải huyết chú trên người mình. Và đương nhiên Đế Ca, tổng giáo chủ của Mạn Đà La giáo lại càng không thể.

Nhân vật trong kiếm hiệp thuần túy thường đơn thuần, kẻ đại gian ác thường gây ra sóng gió, để rồi một nhân vật anh hùng xuất chúng xuất hiện lãnh đạo võ lâm đứng lên tiêu diệt, mang lại hòa bình hạnh phúc cho võ lâm. Riêng Bộ Phi Yên không như vậy. Thế giới kiếm hiệp của nàng là một thế giới đầy hoa mỹ, trong đó, mọi nhân vật đều bao hàm trong mình hai mặt tốt xấu, cuộc chiến của những nhân vật trong đó đều tuân theo tiêu chí : vì mình. Chỉ vì bản thân mình, thế thôi.

Hải Chi Yêu, Mạn Đà La, Thiên Kiếm Luân, sau đó sẽ là gì nữa đây ?

14/7/09

Luận bàn Tru Tiên

Tru Tiên

Tác giả : Tiêu Đình
Loạn giả : Lam Anh

Nguồn : http://www.nhanmonquan.net/vbulletin/forumdisplay.php?f=298

QUOTE
Tiểu thuyết võ hiệp Tru Tiên của tác giả Tiêu Đỉnh đã tạo ra một làn sóng mới sau khi xuất bản ở Trung Quốc. Hiện các công ty game, hãng làm phim, đài truyền hình và xưởng phim hoạt hình Trung Quốc, Hàn Quốc và Đài Loan đang thương thảo với tác giả về việc chuyển nhượng bản quyền của quyển tiểu thuyết này.

Với hơn 2 triệu người lên mạng xem tiểu thuyết Tru Tiên mỗi ngày, các độc giả lập luôn một diễn đàn online tranh luận về việc liệu Tru Tiên có vượt qua được những tác phẩm của Kim Dung hay không? Ai sẽ là người thay Kim Dung nhận lấy chức võ lâm minh chủ khi có người nhận xét Tru Tiên là “thánh kinh võ hiệp thời đại hậu Kim Dung”.

NGUYÊN VĂN TIẾNG TRUNG


Luận bàn Tru Tiên


Mở đầu Tru tiên viết “Từ thời thái cổ, nhân loại đối với thế giới quanh mình, thảy những sự kỳ dị, chớp loè sấm động, gió dữ mưa to, thiên tai nhân hoạ, thương vong vô số, lũ lụt khắp nơi, tuyệt không phải những sự sức con người có thể làm được, có thể chống cự được. Bèn cho rằng trên chín tầng trời có chư vị thần linh, dưới chín tầng đất có dồn đống âm hồn, diêm la điện phủ. Vì vậy truyền thuyết thần tiên lưu lại hậu thế”

Trong thuở sơ khai, ở Trung thổ có ba chính phái lớn : Thanh Vân Môn, Thiên Âm Tự và Phần Hương Cốc. Cả ba giáo phái đều là những bậc thần tiên, cưỡi mây về gió, tu luyện lâu năm, tuy không đến mức trường sinh bất lão nhưng việc trẻ mãi không già trong vài trăm đến hơn nghìn năm là điều quá dễ dàng. Câu chuyện bắt đấu khi một làng nhỏ sống dưới chân núi Thanh Vân đột ngột bị giết sạch, chỉ còn sót lại hai cô nhi và một lão già phát điên. Thương xót, Thanh Vân Môn đã thu nhận cô nhi vào làm môn đệ.

Thanh Vân Môn vốn có bảy chi nhánh, mạnh yếu khác nhau, trong đó, Lam Kinh Vũ, đứa trẻ có tư chất tốt hơn được vào chi nhánh mạnh nhất, còn Trương Tiểu Phàm, đứa bé thật thà chất phác được nhận vào chi nhánh yếu nhất, neo người nhất. Trong cái đêm xảy ra thảm họa, Trương Tiểu Phàm được Phổ Trí đại sư truyền cho tuyệt học Bát Nhã thần công của Phật giáo, sau đó lại trở thành đệ tử của Thanh Vân Môn, vô hình chung trong người hắn kiêm nhiệm cả hai tuyệt học của hai môn phái lớn nhất Trung Thổ, tuy cái đó làm sự thăng tiến kỳ nghệ trong những năm đầu của hắn khá chật vật, nhưng lại là căn bản vững chắc để hắn để hắn tiến xa hơn trong những năm sau. Trải qua bao gian nan có, may mắn có, Trương Tiểu Phàm trở thành một trong bốn đệ tử giỏi nhất của Thanh Vân Môn, được hạ sơn. Trong chuyến hạ sơn đó, Tiểu Phàm tình cờ gặp mặt Bích Dao, môn đệ của Ma Giáo, người đã có ảnh hưởng lớn nhất đến hắn sau này. Trong một sự tình cờ, bí mật của Trương Tiểu Phàm bị bại lộ, hắn trở thành đối tượng lôi kéo của Ma Giáo, là đối tượng bị truy giết của Thanh Vân môn. Bí mật khủng khiếp năm xưa bại lộ cùng với cái chết của Bích Dao đã đẩy hắn từ hàng ngũ Thanh Vân – chính phái, chuyển sang đầu quân cho Ma Giáo – Tà phái.

Đọc Tru tiên phảng phất thấy những nét gì đó của Phong Thần. Cũng những bậc thần tiên phong thanh đạo cốt, cũng những bảo bối tân kì, nhưng khác một chỗ, Tru tiên có ảnh hưởng của truyện kiếm hiệp nhiều hơn. Trong khi Phong Thần chỉ chìm sâu vào cuộc chiến mang nặng tính chất tranh đoạt giữa các giáo phái với nhau thì Tru Tiên lại giống với các tiểu thuyết kiếm hiệp thời đại hơn, với mô típ khá quen thuộc : một cô nhi sống sót sau cuộc thảm sát nào đó, luyện thành tuyệt nghệ ( luôn luôn là bao gồm tuyệt nghệ của hai ba nhà cùng một lúc) cuối cùng phát hiện ra kẻ đã thảm sát tòan gia mình là một nhân vật trong chính phái, từ đó chuyển sang nghi ngờ cái gọi là ranh giới giữa chính tà. Những bửu bối của Tru tiên cũng giống với vũ khí của các hiệp khách giang hồ chứ không phải biến hóa khôn lường như trong Phong Thần. Chỉ hơn mỗi một điều, trong các tiểu thuyết võ hiệp, các hiệp khách giang hồ sử dụng khinh công, còn trong Tru tiên, họ đằng vân giá vũ, và họ tu luyện cũng lâu năm hơn, từ mấy trăm năm đến hơn một nghìn năm, dung mạo của họ cũng trẻ mãi không già. Đó có lẽ là một trong những điểm giống của Tru Tiên với Phong Thần.

Cách dẫn truyện tự nhiên, mạch lạc, nội dung hấp dẫn, không có gì ngạc nhiên khi Tru Tiên lại được đông đảo người đọc khen ngợi đến thế. Trong khi các tiểu thuyết kiếm hiệp hiện đại rơi vào khuôn mẫu sáo mòn và sử dụng một giọng văn quá đỗi là thô thiển, dù Tru Tiên không phải là một bước đột phá mới khi lấy lại mô típ cũ nhưng việc thêm vào yếu tố thần kì đã khiến nó có một cái gì đó mới mẻ hơn, hấp dẫn hơn. Người đọc như được thấy một thế giới thần kì ( với những bậc thần tiên sống lâu trăm tuổi, trẻ mãi không già, đằng vân giá vũ) nhưng vẫn không quá xa rời với thực tại như vẫn tồn tại những mối quan hệ tình cảm rất đỗi bình thường (yêu ghét, giận hờn – tranh thù đoạt mệnh). Trong đó, người đọc như thấy ước mơ của mình, ước mơ về một cuộc sống trẻ mãi không già, Tru tiên không bao gồm trong nó những nhân vật bất tử, bất tử không phải là cái người ta mong muốn, mà chính sự trẻ mãi không già mới là cái thu hút nhất.

Tuy nhiên, Tru tiên không phải là một tác phẩm tuyệt hảo. Ngòai việc vẫn phải dựa trên những mô típ cũ như những tác phẩm kiếm hiệp kinh điển khác, nó vẫn không dám đẩy đến tận cũng những mâu thuẫn bao hàm trong nó. Có cảm giác không chân thực lắm khi Thương Tùng tự nguyện lộ mặt mà không cần bất kì chứng cứ nào. Hoặc chi tiết Pháp Tướng tự động kể lại hết toàn bộ sự việc mà Phổ Trí đại sư đã gây ra năm xưa khi chứng kiến sự cứng đầu của Trương Tiểu Phàm. Chỉ hai chi tiết đó thôi cũng đủ thấy khoảng cách giữa những cây viết thông thường với hai cây cổ thụ vẫn còn khá xa. Việc không dám đẩy tới tận cùng những mâu thuẩn ẩn chứa trong lòng làm câu chuyện tự nhiên hơi gượng, nó làm tác phẩm thiếu chiều sâu so với những gì mà nó đã đạt được. Đây quả là một điều đáng tiếc. Tuy nhiên nếu có thể rộng lượng hơn một chút thì Tru tiên vẫn là một tác phẩm nổi trội so với các tác phẩm hiện hành. Lời văn và nội dung của Tru Tiên trau chuốt hơn và không quá sa đà vào những mối quan hệ xxx nóng bỏng, điều mà ngay cả một số tác phẩm đang nóng hiện nay của Huỳnh Dị cũng không tránh khỏi. Cái đó làm nó cũng được nâng lên một bậc so với những tác phẩm đó.

Cuộc chiến chính tà trong Tru Tiên

Như những tác phẩm võ hiệp khác, Tru Tiên cũng không thể không ẩn chứa trong mình mâu thuẫn giữa hai phái chính tà, đương nhiên, đó là mâu thuẫn không thể tách rời khỏi các tác phẩm thuộc thể loại này. Trời đất tuy phân chia, nhưng vẫn gặp nhau ở một điểm. Nhớ ngày xưa đọc có câu “ Khi ánh sáng sinh ra, bóng tối cũng sinh ra, nếu không có bóng tối, làm sao hiểu thế nào là ánh sáng”. Chính tà là hai phạm trù song song, không thể tách rời nhau, có nhiều khi, nó trộn lẫn vào nhau khiến ta trong một chừng mực nào đó không thể phân biệt nổi thế nào là chính, thế nào là tà. “Trời đất vô nhân” nữa là con người. Phải chăng cái tư tưởng vô nhân đó đã thấm vào tâm tủy những kẻ quyền cao chức trọng thuộc chính phái, để rồi, mỗi hành động đều chỉ vì mục đích cá nhân mà không xét đến hậu quả của nó sẽ ảnh hưởng thế nào đến những cá nhân khác.

Như Phổ Trí đại sư, tuy là một bậc cao tăng đắc đạo của Thiên Âm Tự, chỉ vì mục đích muốn để tuyệt học hai nhà Thanh Vân môn và Thiên Âm Tự được hòa trộn với nhau mà không ngần ngại giết sạch những người dân sống dưới chân núi Thanh Vân. Pháp Tướng đại sư đổ lỗi cho việc Phổ Trí đã bị tà ác xâm nhập, không thể nào, chẳng qua lục căn chưa tịnh, đáy lòng vẫn sân si nên mới có cơ hội trào lên như vậy.

Hoặc như Thanh Trùng của Thanh Vân Môn, chỉ vì để trả thù cho vị sư huynh của mình mà không ngần ngại bán rẻ cả Thanh Vân Môn, dẫn Quỷ Vương Tông xâm nhập và tàn sát chính đồng đạo mình. Thanh vân môn thối nát, nói bậy, cho dù có là như thế thì đó chỉ là những kẻ cầm đầu, đại đa số còn lại thì sao, chỉ vì lỗi của một kẻ khác mà phải hy sinh mạng sống chăng.

Khi thiên thần giết xong ác quỷ, thì máu của ác quỷ đã thấm đẫm người thiên thần” Quả nhiên chính phái và tà phái cũng sinh ra từ một gốc, và không phải cứ chính phái là làm những việc tốt, còn tà phái là làm những việc xấu. Và nếu chính phái xấu xa như vậy thì thà qua làm tà phái còn hơn. Tư tưởng này đã được Tru tiên khắc họa thông qua hình ảnh của Trương Tiểu Phàm. Tuy nhiên, tư tưởng tà bất thắng chính vẫn tiềm ẩn trong ngòi bút của tác giả, cho đến tận cùng tác giả vẫn chưa để cho Trương Tiểu Phàm làm bất cứ điều gì phương hại đến chính phái, mà chỉ tham gia vào tiêu diệt và tàn sát chính trong nội bộ Ma giáo. Phải chăng đó chính là một đường lui để cuối cùng tác giả sẽ đưa Tiểu Phàm trở lại trong Chính giáo. Nó cũng là điểm khác so với Phong Thần, trong Phong Thần, dù là Triển Giáo hay Xiển Giáo, phàm đã tham gia chiến đấu thì đều có cơ hội lên bảng Phong Thần. Không như trong Tru tiên, khi Tiểu Phàm bị nghi vấn là ma giáo cài vào thì bị “thà giết nhầm còn hơn bỏ sót”, nhưng khi Thanh Trùng phản bội thì vẫn thản nhiên trở về bên Quỷ Vương mà không thấy bất kì hành động truy sát nào của Thanh Vân Môn. Hoặc giả thái độ của hai cô nhi Trương Tiểu Phàm và Lâm Kinh Vũ đối với Thiên Âm tự, nơi dung túng hành động của Phổ Trí đại sư. Tác giả đã thể hiện rõ ngòi bút vẫn còn nương nhẹ với chính phái của mình, thành ra đi ngược lại với tư tưởng chính thống tồn tại từ ngàn xưa của người Trung Quốc. Không rõ có nên coi đây là một sự đột phá mới của tác giả không.


Chữ Tình Trong Tru tiên

Viết tặng Kea và cà phê đen
Biết bạn Kea chẳng bao giờ đọc cái này, nhưng vì đồng cảm với cà phê đen mà viết, nên cứ đề tặng bạn Kea



Cửu U âm linh, Chư thiên thần ma
Ỷ ngã huyết khu, phụng vũ hi sinh
Tam sinh thất thế, vĩnh đọa Diêm La
Chỉ vì tình cố, tuy tử bất tật

Đây là bốn câu chú mà Bích Dao đã đọc khi dùng Hợp Hoan Linh để cứu Tiểu Phàm thoát khỏi họa sát thân của Tru Tiên Kiếm Trận. Trong mưa gió sát khí bão bùng, một người con gái mảnh mai xinh đẹp đã không ngần ngại đem đổi cả tính mạng của mình để cứu người mình yêu, dù nàng biết rằng trong tim người đó đang ẩn chứa bóng hình một người con gái khác.

Chữ tình là gì khiến cho người ta phải đau khổ. Một người bạn của tôi đã viết " Tin nhắn đến máy nhưng chẳng đến được lòng người. Coi phim từng có kẻ nói "Ta từng tự hào là kẻ giỏi xoay xở trong số đào hoa, vậy mà thực ra chỉ là một kẻ ngốc, cả đời đem trọn trái tim yêu một người không bao giờ yêu mình"... Đôi lúc tự hỏi chữ tình sao mà nặng" Không phải ngẫu nhiên mà tôi trích nguyên văn cái tin nhắn bạn tôi gửi đem vào đây, chỉ vì, cảm thấy cả đoạn tin nhắn đó mới nói rõ hết những ý mà mấy câu chú này ẩn chứa.

Ngay từ đầu tình cảm của Trương Tiểu Phàm đã dành trọn cho Điền Linh Nhi. Thì làm sao có thể khác được, khi mà hắn lớn lên cùng với nàng từ nhỏ, lại được cùng nàng quấn quýt vui đùa sớm tối. Một kẻ mồ côi cơ khổ, lại bị sư phụ lạnh nhạt, anh em đồng môn tuy thân thiết nhưng lại ở một độ tuổi khác, thì dĩ nhiên hắn sẽ đem lòng luyến ái ngay người con gái ở gần hắn nhất. Huống chi Linh Nhi lại là một tài nữ, vừa giỏi giang vừa xinh đẹp, trong muôn người mới có một. Mối tình đầu thường sâu nặng, và chính bởi lẽ đó mà Linh Nhi đã trở thành người quan trọng nhất trong tim Tiểu Phàm. Uổng thay, đó chỉ là tình cảm một chiều, và thứ tình cảm đó đã làm Tiểu Phàm không ít lần đau khổ. Đã từng nghĩ nếu Linh Nhi đáp lại tình cảm của Tiểu Phàm thì sao, liệu với những gì đã trải qua thì Tiểu Phàm có yêu Bích Dao không. Không rõ nữa, tình cảm mà, không ai có thể đoán trước được Nhớ trong Anh Hùng Xạ điêu, dù Hoa Tranh Công chúa với Quách Tỉnh có mối giao tình sâu nặng nhưn khi gặp Hoàng Dung, cuối cùng tình cảm của Quách Tỉnh vẫn nghiêng về phía Hoàng Dung. Cho nên không thể đoán trước được điều gì

Có vẻ như nhân vật chính dù có ngốc nghếch đến đâu cũng vẫn được các mỹ nhân bao quanh , và Tiểu Phàm cũng không ngoại lệ. Tiêu Đỉnh Tiên Sinh đã khá ưu ái khi cho Đệ nhất tài nữ Lục Tuyết Kỳ cũng đem lòng luyến ái Tiểu Phàm. Nhưng cũng thật tội nghiệp khi trong tim Tiểu phàm không còn chỗ cho Lục Tuyết Kỳ, khi mà cuối cùng Tiêu Đỉnh lại cho Bích Dao ở cùng hắn trong tuyệt cốc. Cả một khoảng thời gian dài cùng chung sống chết, chia ngọt sẻ bùi đã khiến Bích Dao nằm trọn trong tim Tiểu Phàm và trong một chừng mực nào đó đã lớn hơn cả vị trí của Linh Nhi. Kể ra thì nhi nữ thường nặng lòng hơn chăng, vì Tiểu Phàm đã gần như chuyển cả tình cảm dành cho Linh nhi sang Bích Dao. Hình ảnh mỹ nhân mà Tiểu Phàm nhìn thấy dưới giếng cổ đã nói lên điều đó. Tiếc thay, Bích Dao đã không biết được điều đó cho đến tận lúc chết.

Có phải quá dại khờ không khi mà cả hai người con gái đều đem nặng lòng yêu Tiểu Phàm, cho dù trong tim hắn đã in sâu hình bóng người con gái khác, vị tỷ tỷ đồng môn xinh đẹp dễ thương. Chữ tình mà, biết làm sao được, làm sao có thể sai khiến được con tim. Nếu không nặng lòng thế thì Tuyết Kỳ đã không mất đi gương mặt sương lạnh, còn Bích Dao đã không mất đi mạng sống của mình. Đem mạng sống của Bích Dao để ví với gương mặt sương lạnh của Tuyết Kỳ, có lẽ tôi hơi bất công, nhưng quả thật, sâu thẳm trong tim, tình cảm của Tuyết Kỳ có lẽ không kém gì Bích Dao, chỉ vì, hai con người được nuôi dậy trong hai môi trường khác nhau, và có cách biểu hiện tình cảm khác nhau. Không phải Tuyết Kỳ trước mặt tòan thể đồng huynh đệ đã đột ngột đứng ra xin tha tội cho Tiểu Phàm hay sao, dù nàng vốn là một con người lạnh lùng vô cảm với những người đồng môn khác

Bích Dao nằm đó, hồn phách tiêu biến vĩnh viễn không thể hồi sinh. Lục Tuyết Kỳ sống mà tim cũng lạnh băng như chết. Còn Tiểu Phàm, Tiểu Phàm trở thành Quỷ lệ, đệ nhất sát thủ của Ma giáo. Ba con người, ba hòan cảnh khác nhau chi giống ở một điểm, vì một chữ tình mà đột ngột trở thành một con người hòan toàn khác. Nhưng Bích Dao có khổ không. Được chết vì người mình yêu thì có gì mà khổ. Nhưng nàng có sung sướng không, chưa có nổi một ngày vui vầy bên người mình yêu, lấy chi mà sung sướng. Vậy Tiểu Phàm thì sao, có khổ không, khổ chi khi mà mạng sống ngàn cân treo sợi tóc của mình đột nhiên được cứu thoát. Nhưng liệu hắn có sung sướng không, phút nhận ra người mình yêu cũng là lúc chia lìa sinh tử, sung sướng sao nổi. Còn Lục Tuyết Kỳ thì sao, không phải đem mạng sống của mình ra để đổi lấy mạng sống người mình yêu, nhưng lại ở hai đầu chiến tuyến, huống chi, trong lòng hắn, nào có chỗ cho nàng. Dù có cơ hội gặp lại đi chăng nữa thì liệu có thể bồi đắp được tình cảm hay không, hay lại trở thành hai kẻ không đội trời chung. Sống như vậy thì thà đem tính mạng ra đánh đổi như Bích Dao còn sung sướng thanh thản hơn. Thế nào là sướng, thế nào là khổ. Chữ tình lúc nặng lúc nhẹ, lúc khoan lúc nhặt, biết lấy cái gì mà đo đếm giờ

Người không phải của mình, nên không có cách nào níu kéo đã đành
Tình vốn là của mình, sao cũng không có cách nào kiềm chế. Không, nói chính xác hơn, vì tình vốn là của mình, nên dù muốn dù không nó vẫn tồn tại ở đó, không có cách nào quên lãng, không có cách nào xóa bỏ

Kết thúc sẽ ra sao đây. Liệu Tuyết Kỳ có thể ở bên Tiểu Phàm không, khi mà ranh giới Chính Tà đang ngày một khoét sâu, và Bích Dao còn nằm đó, và liệu Bích Dao có thể tỉnh lại không khi mà hồn phách đã tiêu biến, còn bí thuật của Hắc Cô tộc thì đã thất truyền từ lâu. Không thể nói trước được điều gì, vì câu chuyện còn đang tiếp diễn. Chỉ có một chữ tình sâu nặng vẫn ẩn chứa trong tim mỗi người.

Lam Anh kính bút./.

Tôi và "Hồng Tro" của Du

Buổi trưa lạnh. Lạnh vì điều hòa, hay vì tim lạnh, tôi cũng không rõ nữa. Văn phòng vắng teo, mọi người hoặc đã đi ăn trưa, hoặc nghỉ ngơi ở đâu đó gần hết. Tôi đang ngồi trệu trạo nhai cơm, với lạc rang, khô khốc, bệnh viêm họng làm tôi không thể ăn bất kỳ thứ nào khác, dù vậy, cái vị bùi bùi của lạc vẫn khuyến khích tôi nhai tiếp. Mắt tôi dán chặt vào màn hình, vào "Hồng tro" của Du. Du mới gửi cho tôi cách đây vài phút.

Lúc nào cũng thế, tôi thường rùng mình mỗi khi đọc truyện của Du. Từ truyện dài đầy bi kịch như "Legend of Porasitus", đến những truyện ngắn như "Mắt ngọc" "Hoa tuyết", hay cái những tùy bút viết trực tiếp trên mạng"chỉ bởi nỗi cô đơn", tất cả đều như những cái gai bén nhọn xuyên thẳng qua da thịt tôi, chui hẳn vào tim. Giọng văn bàng bạc, những nỗi đau rất thật, tất cả đều làm cho người đọc phải nín thở khâm phục.

Lần này, Hồng Tro khá ngắn, chỉ với hai nhân vật chính. Một là "Nàng", một cây bút đã không thể cầm bút viết nên chuyển sang làm họa sĩ, chỉ bởi vì "có thể dùng bột màu rẻ tiền thay máu", hai là Tím, một tác giả truyện ngắn vừa được xuất bản, được ưa chuộng và đang kề cận con đường hoa hồng vinh quang.

Nàng và Tím, hai người như hai thái cực khác nhau. Tím có vẻ cầu toàn, có vẻ thuộc típ người mực thước, logic đến khó tính, một người được số phận ưu đãi và có thực tài phần nào. Có thể biết được điều đó qua sự phân tích của Tím về công việc, về cách mà Tím xử sự khi đến nhà nàng
"Đôi khi Tím cũng ngủ lại chỗ của nàng, song luôn luôn dậy rất sớm. Chỉ một tiếng cựa mình của phố chợ cũng làm cô tỉnh giấc. Mà phố chợ nào có cựa mình đâu. Nó ngáy. Lắm khi còn mộng du".
Nàng thì khác hẳn. Nàng họa sĩ còm, sống nhỏ nhoi trong một căn gác cũng nhỏ nhoi, trong một khu chợ ồn ào náo nhiệt. Nàng từng là một cây bút, nhưng nàng viết bằng đam mê, bằng chính máu của bản thân, chứ không phải bằng bất kỳ kỹ xảo nào. Tác phẩm mới nhất của nàng là "một bức tranh hồng tro" và sau đó, một bóng người ngồi cô độc vẽ bằng tàn tro của cuốn truyện nổi danh của Tím, phía trên đầu là một "trái tim đỏ rực" vẽ bằng thứ màu rẻ tiền chứ không phải máu đã được vẽ thêm vào. Không hiểu sao, bức tranh cứ luẩn quất mãi trong đầu tôi. Màu tro của hoa hồng, màu của những điểm tàn còn lại của đóa hoa hồng sau khi bốc cháy. Nó gợi tôi nhớ tới nàng Meggie xinh đẹp, yêu tuyệt vọng một đức cha đầy tham vọng. Và gợi nhớ tới con chim họa mi cất cao giọng hót bi thương trong đám cỏ gai. Bức tranh là những gì còn sót lại của nàng, sau khi máu trong tim đã bị ngòi bút rút cạn sau từng bài viết.

Có một đoạn, Hồng tro nhắc lại một ký ức cũ của Nàng :

"-Vậy sao kể với tớ ?
- Lý do đấy thôi. Tớ muốn kể. Mà cậu lại là người duy nhất có thể nghe mà không đau."


Bây giờ thì tôi nghĩ, tôi có thể hiểu vì sao nàng và Tím có thể chơi với nhau. "Vì họ là những người không đau vì nhau". Tím tìm đến nàng chỉ để có một người lạ đủ quen để kể cho nghe về thành công của cô ấy. Và nàng thì chấp nhận Tím, chỉ vì cô ấy là người nhìn bức tranh Hồng tro của nàng mà hoàn toàn không hiểu gì về ý nghĩa của nó, không một chút đau đớn. Đôi khi người ta cần kể cho một ai đó nghe về một số thứ của bản thân mình, một niềm vui, một nỗi đau, nhưng chỉ để kể, mà không phải mưu cầu một lời chia vui hay an ủi. Một người gần như lạ.

Tiếng chuông điện thoại của ai đó vang lên lảnh lót, một bài hát vừa lạ vừa quen. Tôi không kịp nghe ca từ, chỉ nhớ rằng nó rất quen.

Như những nỗi đau đang thường trực trong tim tôi ngày xưa, bây giờ và mãi mãi sau này, đau đến mức chỉ muốn viết ra mà lại không thể viết ra.

Và máu con tim cứ cạn dần sau từng nét bút, một cách vô hình.

Tôi và "Hồng Tro" của Du

Buổi trưa lạnh. Lạnh vì điều hòa, hay vì tim lạnh, tôi cũng không rõ nữa. Văn phòng vắng teo, mọi người hoặc đã đi ăn trưa, hoặc nghỉ ngơi ở đâu đó gần hết. Tôi đang ngồi trệu trạo nhai cơm, với lạc rang, khô khốc, bệnh viêm họng làm tôi không thể ăn bất kỳ thứ nào khác, dù vậy, cái vị bùi bùi của lạc vẫn khuyến khích tôi nhai tiếp. Mắt tôi dán chặt vào màn hình, vào "Hồng tro" của Du. Du mới gửi cho tôi cách đây vài phút.

Lúc nào cũng thế, tôi thường rùng mình mỗi khi đọc truyện của Du. Từ truyện dài đầy bi kịch như "Legend of Porasitus", đến những truyện ngắn như "Mắt ngọc" "Hoa tuyết", hay cái những tùy bút viết trực tiếp trên mạng"chỉ bởi nỗi cô đơn", tất cả đều như những cái gai bén nhọn xuyên thẳng qua da thịt tôi, chui hẳn vào tim. Giọng văn bàng bạc, những nỗi đau rất thật, tất cả đều làm cho người đọc phải nín thở khâm phục.

Lần này, Hồng Tro khá ngắn, chỉ với hai nhân vật chính. Một là "Nàng", một cây bút đã không thể cầm bút viết nên chuyển sang làm họa sĩ, chỉ bởi vì "có thể dùng bột màu rẻ tiền thay máu", hai là Tím, một tác giả truyện ngắn vừa được xuất bản, được ưa chuộng và đang kề cận con đường hoa hồng vinh quang.

Nàng và Tím, hai người như hai thái cực khác nhau. Tím có vẻ cầu toàn, có vẻ thuộc típ người mực thước, logic đến khó tính, một người được số phận ưu đãi và có thực tài phần nào. Có thể biết được điều đó qua sự phân tích của Tím về công việc, về cách mà Tím xử sự khi đến nhà nàng
"Đôi khi Tím cũng ngủ lại chỗ của nàng, song luôn luôn dậy rất sớm. Chỉ một tiếng cựa mình của phố chợ cũng làm cô tỉnh giấc. Mà phố chợ nào có cựa mình đâu. Nó ngáy. Lắm khi còn mộng du".
Nàng thì khác hẳn. Nàng họa sĩ còm, sống nhỏ nhoi trong một căn gác cũng nhỏ nhoi, trong một khu chợ ồn ào náo nhiệt. Nàng từng là một cây bút, nhưng nàng viết bằng đam mê, bằng chính máu của bản thân, chứ không phải bằng bất kỳ kỹ xảo nào. Tác phẩm mới nhất của nàng là "một bức tranh hồng tro" và sau đó, một bóng người ngồi cô độc vẽ bằng tàn tro của cuốn truyện nổi danh của Tím, phía trên đầu là một "trái tim đỏ rực" vẽ bằng thứ màu rẻ tiền chứ không phải máu đã được vẽ thêm vào. Không hiểu sao, bức tranh cứ luẩn quất mãi trong đầu tôi. Màu tro của hoa hồng, màu của những điểm tàn còn lại của đóa hoa hồng sau khi bốc cháy. Nó gợi tôi nhớ tới nàng Meggie xinh đẹp, yêu tuyệt vọng một đức cha đầy tham vọng. Và gợi nhớ tới con chim họa mi cất cao giọng hót bi thương trong đám cỏ gai. Bức tranh là những gì còn sót lại của nàng, sau khi máu trong tim đã bị ngòi bút rút cạn sau từng bài viết.

Có một đoạn, Hồng tro nhắc lại một ký ức cũ của Nàng :

"-Vậy sao kể với tớ ?
- Lý do đấy thôi. Tớ muốn kể. Mà cậu lại là người duy nhất có thể nghe mà không đau."


Bây giờ thì tôi nghĩ, tôi có thể hiểu vì sao nàng và Tím có thể chơi với nhau. "Vì họ là những người không đau vì nhau". Tím tìm đến nàng chỉ để có một người lạ đủ quen để kể cho nghe về thành công của cô ấy. Và nàng thì chấp nhận Tím, chỉ vì cô ấy là người nhìn bức tranh Hồng tro của nàng mà hoàn toàn không hiểu gì về ý nghĩa của nó, không một chút đau đớn. Đôi khi người ta cần kể cho một ai đó nghe về một số thứ của bản thân mình, một niềm vui, một nỗi đau, nhưng chỉ để kể, mà không phải mưu cầu một lời chia vui hay an ủi. Một người gần như lạ.

Tiếng chuông điện thoại của ai đó vang lên lảnh lót, một bài hát vừa lạ vừa quen. Tôi không kịp nghe ca từ, chỉ nhớ rằng nó rất quen.

Như những nỗi đau đang thường trực trong tim tôi ngày xưa, bây giờ và mãi mãi sau này, đau đến mức chỉ muốn viết ra mà lại không thể viết ra.

Và máu con tim cứ cạn dần sau từng nét bút, một cách vô hình.